Công ty Trung Quốc xây dựng siêu mạng lưới 10.000 vệ tinh

Theo kế hoạch, mạng lưới vệ tinh Honghu-3 sẽ gồm tổng cộng 10.000 vệ tinh, hoạt động trên 160 mặt phẳng quỹ đạo.

Tên lửa Zhuque-2 của công ty Landspace phóng lên từ sân bay vũ trụ Tửu Tuyền ngày 8/12/2023. Ảnh: Landspace

Công ty Công nghệ Lanjian Hongqing Shanghai (Hongqing Technology), liên kết với nhà sản xuất tên lửa thương mại Landspace, nộp thông tin về kế hoạch xây dựng mạng lưới vệ tinh mới cho Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Space News hôm 27/5 đưa tin. Mạng lưới mang tên Honghu-3, gồm tổng cộng 10.000 vệ tinh hoạt động trên 160 mặt phẳng quỹ đạo.

Việc nộp thông tin nhằm thông báo cho ITU và các quốc gia thành viên về kế hoạch phóng một mạng lưới hoặc hệ thống vệ tinh lên không gian. Sau đó, họ có thể đánh giá mạng lưới vệ tinh mới để xem có nguy cơ gây trở ngại cho các hệ thống vệ tinh hiện có hoặc đã được lên kế hoạch hay không.

Honghu là siêu mạng lưới thứ ba với hơn 10.000 vệ tinh được lên kế hoạch tại Trung Quốc. Hai siêu mạng lưới trước đó mang tên Guowang và G60 Starlink, cả hai đều đã được Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) phê duyệt. Những lô vệ tinh đầu tiên của hai siêu mạng lưới này dự kiến phóng trong vài tháng tới.

Honghu có thể sẽ tiếp tục làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng đông đúc, dễ va chạm và nhiều mảnh vỡ trên quỹ đạo Trái Đất thấp. Hiện tại, Starlink của công ty Mỹ SpaceX là mạng lưới vệ tinh lớn nhất với hơn 5.000 vệ tinh đang hoạt động và kế hoạch triển khai tới 42.000 vệ tinh.

Hongqing Technology thành lập vào năm 2017, có trụ sở tại Thượng Hải và được biết đến nhờ phát triển công nghệ động cơ đẩy Hall. Công ty đang xây dựng một cơ sở sản xuất vệ tinh ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, gần Thượng Hải. Động cơ đẩy Hall với nhiên liệu krypton Jinwu-200 của Hongqing Technology đã được thử nghiệm trên vệ tinh Honghu-2, phóng lên không gian nhờ tên lửa Zhuque-2 của Landspace vào tháng 12 năm ngoái.

Trong khi đó, Landspace đang phát triển tên lửa methane - oxy lỏng làm bằng thép không gỉ và có thể tái sử dụng mang tên Zhuque-3. Tên lửa đường kính 4,5 m này sẽ có khả năng chở 21.000 kg hàng hóa lên quỹ đạo Trái Đất thấp. Phương tiện này dự kiến phóng lần đầu vào năm 2025.

Trung Quốc đang xây dựng một sân bay vũ trụ thương mại gần Văn Xương để giúp giải quyết tình trạng thiếu bệ phóng. Điều này rất cần thiết để giúp Trung Quốc tăng tốc độ phóng, nhanh chóng xây dựng các siêu mạng lưới vệ tinh.

 

Nguồn: vnexpress.net