Thiết bị dính dưới nước lấy cảm hứng từ bạch tuộc

Trong thử nghiệm, thiết bị dính với phần thân cong, đàn hồi và lớp màng biến dạng có thể duy trì sức mạnh qua 100 chu kỳ.

Các nhà nghiên cứu phát triển thiết bị dính mới có thể hút và thả vật thể dưới nước với độ chính xác đáng kinh ngạc, Interesting Engineering hôm 10/10 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Advanced Science.

"Tôi bị thu hút bởi cách bạch tuộc giữ chặt một vật thể trong chốc lát, rồi thả ra ngay lập tức. Chúng làm điều này dưới nước, với những vật sần sùi, cong và không đều - điều đó thật ấn tượng", Michael Bartlett, chuyên gia tại Đại học Bách khoa Virginia, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Các nhà khoa học quan sát phần ngoài cùng của giác hút bạch tuộc gọi là phễu. Giác hút này giống như những bàn tay co giãn có thể nắm lấy bất cứ thứ gì. Chúng cấu tạo từ mô sống, có thể điều chỉnh hình dạng và sức mạnh sao cho phù hợp với từng vật thể. Điều này đồng nghĩa, chúng có thể giữ chặt những vật có kết cấu và hình dạng khác nhau.

Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia phát triển thiết bị dính đa bề mặt với phần thân cong, đàn hồi và lớp màng có thể biến dạng. Thiết bị dính được những bề mặt gồ ghề, cong, không đều trong các môi trường chất lỏng khác nhau với sức mạnh ấn tượng.

"Khi được kích hoạt, thiết bị dính lấy cảm hứng từ bạch tuộc sẽ mạnh hơn 1.000 lần so với khi ở trạng thái thả lỏng. Điều quan trọng là sự chuyển đổi này diễn ra chỉ trong một phần nhỏ giây, khoảng 30 mili giây", nhóm nghiên cứu cho biết.

Thiết bị dính dưới nước.

Theo nhóm nhà khoa học, thiết bị đã thể hiện khả năng dính đáng tin cậy qua nhiều lần sử dụng và trong thời gian dài. Trong thử nghiệm, nó duy trì sức mạnh qua 100 chu kỳ, thậm chí giữ một viên đá sần sùi dưới nước hơn 7 ngày rồi thả ra theo lệnh. Sự bền bỉ này đặc biệt quan trọng với những tình huống cần giữ vật thể dưới nước trong thời gian dài, ví dụ như khi công nhân trục vớt một vật bị chìm.

Trước đó, giáo sư Bartlett đã phát triển Octa-Glove, găng tay dính lấy cảm hứng từ bạch tuộc. Găng tay trang bị cảm biến LIDAR để phát hiện và nhẹ nhàng dính lấy những vật dưới nước. Ứng dụng tiềm năng của Octa-Glove bao gồm lặn cứu hộ, khảo cổ dưới nước, các công nghệ hỗ trợ người dùng và chăm sóc sức khỏe. "Chúng tôi hy vọng có thể sử dụng thiết bị dính mới để cải tiến thêm Octa-Glove", Bartlett chia sẻ.

Theo khoahoc.tv