Trang trại thẳng đứng trong nhà đầu tiên trồng dâu tây
Mỹ - Plenty Richmond, trang trại thẳng đứng đầu tiên trên thế giới trồng dâu tây trong nhà với quy mô lớn, mở cửa hôm 24/9 tại Richmond, Virginia.
Tháp dâu tây thẳng đứng cao 9 m trong trang trại. Ảnh: Plenty
Trang trại Plenty Richmond được thiết kế để sản xuất hơn 1.8 triệu kg dâu tây trồng trên các tháp cao 9 m, chiếm diện tích chưa đến 3.800 m2. Đây là một phần rất nhỏ so với diện tích đất cần thiết cho sản xuất dâu tây truyền thống, vốn cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố mùa vụ và môi trường làm hạn chế sản lượng. Trang trại sẽ trồng dâu tây cho công ty Driscoll's và sản phẩm dự kiến xuất hiện trên kệ của các cửa hàng tạp hóa đầu năm 2025.
Đến nay, việc trồng cây thẳng đứng thương mại thường giới hạn ở rau diếp, nhưng Plenty Richmond đã mở rộng phạm vi này. Với nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm được kiểm soát trong 12 phòng trồng cây, việc thụ phấn cũng được điều chỉnh để trở nên hiệu quả hơn ong. Công ty Plenty tin rằng điều này sẽ giúp trái cây đồng đều hơn và giảm lãng phí.
"Trang trại Plenty Richmond là kết quả của 200 thử nghiệm nghiên cứu trong 6 năm qua để hoàn thiện quy trình trồng dâu tây trong nhà quanh năm với hương vị nhất quán", Arama Kukutai, CEO của Plenty, cho biết. Plenty Richmond được xây dựng sau nhiều năm nghiên cứu khoa học về mô hình này, với sự tham gia của nhiều đơn vị trên thế giới như Đại học Queensland, Đại học Macquarie, Đại học Wageningen, Đại học Florida, Đại học Hạt Basque, Trung tâm CAS về Khoa học Thực vật Phân tử xuất sắc và Viện Sinh thái và Sinh lý thực vật Thượng Hải.
Phòng trồng cây được kiểm soát chặt chẽ để tối ưu hóa quá trình thụ phấn và tạo quả. Ảnh: Plenty
"Các trang trại thẳng đứng thường trồng cây trong nhà thành nhiều lớp xếp chồng lên nhau, cho năng suất và chất lượng cây trồng ổn định, nhưng lại sử dụng một lượng lớn năng lượng đắt đỏ cho ánh sáng và luồng không khí", Paul Gauthier, giáo sư tại Đại học Queensland, Australia, cho biết.
"Nếu tạo ra một môi trường có tính động lực học hơn và bật tắt các loại đèn và cảm biến theo chu kỳ quang hợp thay vì để chúng hoạt động liên tục, chúng ta có thể tận dụng năng lượng rẻ hơn vào những lúc không cao điểm trong khi vẫn tối đa hóa lợi ích của nông nghiệp thẳng đứng", ông nói thêm.
"Tôi đã thành công khiến dâu tây sản xuất 6 kg quả mỗi cây dù mọi người nói rằng mức tối đa có thể sản xuất trong nhà kính là 2 kg. Tôi đã nhân ba sản lượng dâu tây bằng cách điều chỉnh môi trường và đẩy chúng đến giới hạn", ông chia sẻ.
Trang trại Richmond sử dụng ít hơn 97% đất và 90% nước so với phương pháp canh tác truyền thống, không sử dụng thuốc trừ sâu. Môi trường được kiểm soát cùng chuỗi cung ứng ngắn hơn cũng giúp giảm nguy cơ cây trồng nhiễm bệnh.
Nguồn: vnexpress.net
- Trung Quốc tạo ra điện từ lá sen (05/11/2024)
- Nguồn đất hiếm từ núi lửa đã tắt (05/11/2024)
- Pháp dùng laser liên lạc với vệ tinh từ mặt đất (04/11/2024)
- Hồi sinh loài cây cổ đại từ hạt giống 1.000 năm (04/11/2024)
- Tinh thể 5D lưu trữ bộ gene người hàng tỷ năm (04/11/2024)
- Tìm giải pháp sinh học thay thế bền vững cho nhựa hóa dầu (01/11/2024)
- Đưa thương hiệu công nghệ thông tin Việt ra thế giới: Cần chính sách pháp lý phù hợp (01/11/2024)
- Diễn đàn công nghệ quốc tế lớn nhất Việt Nam sắp tổ chức tại TP Hồ Chí Minh (01/11/2024)
- Thuyền chạy điện - Bước tiến trong nỗ lực 'xanh hóa' giao thông tại Botswana (31/10/2024)
- Công nghệ sàng lọc ung thư vú trên 'dế' thông minh (31/10/2024)