60% công nghệ bảo quản sau thu hoạch ở mức đơn giản
Việc chế tạo, ứng dụng máy móc cho bảo quản sau thu hoạch 60% là công nghệ từ đơn giản đến vừa, thiếu những đầu tư công nghệ cao, theo chuyên gia.
Tại tọa đàm "Nâng cao giá trị nông sản Việt qua công nghệ thực phẩm" tổ chức tại TP HCM sáng 26/10, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (VIAEP) cho biết, việc chế tạo máy móc, ứng dụng công nghệ bảo quản chưa có nhiều đơn vị đầu tư công nghệ. Việc ứng dụng các hệ thống bảo quản, quản lý nông sản phục vụ xuất khẩu công nghệ cao vẫn chưa nhiều.
Thực tế từ năm 2010 Chính phủ ban hành Quyết định 63 và năm 2013 có Quyết định 68 cụ thể hóa chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp. Theo ông Tuấn, những chính sách này nhiều năm qua hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp mua sắm máy móc, thiết bị nhằm cơ giới hóa phục vụ bảo quản sản phẩm nông sản, giúp giảm tổn thất trong quá trình bảo quản sau thu hoạch. Tuy nhiên việc tiếp cận vốn vay ưu đãi phục vụ mua sắm máy móc của tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế. Ngoài ra, các loại hình vốn vay ưu đãi cho các thiết bị máy móc nhập khẩu khó đáp ứng với nhu cầu của người sản xuất, đặc biệt là sản phẩm công nghệ cao. Điều này xuất phát do quy định máy móc thiết bị phải qua quy trình giám định trước khi nhập khẩu mới được đưa vào sử dụng.
Gặt lúa ở Đông Anh, Hà Nội tháng 5/2023. Ảnh: Ngọc Thành
Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, đại diện Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, việc giảm thất thoát, phát thải carbon từ ngành nông nghiệp đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ mới. Đây là yêu cầu rất quan trọng nhằm giúp cơ quan quản lý thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 (mục tiêu Net Zero). Bà cho rằng cần tăng cường phối hợp cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nông dân... ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Ông David Israel, Giám đốc chiến lược toàn cầu Đại học Melbourne (Australia) thừa nhận, đầu tư trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp vốn cần thời gian dài và nguồn vốn lớn. Quá trình này được ông ví như đi qua "thung lũng chết", khi nguồn vốn nhà đầu tư sụt giảm vì họ chưa nhìn ra giá trị kinh tế của nghiên cứu. Do đó, nhà đầu tư cần có nguồn vốn tài trợ lâu dài và họ cũng cần sự tham gia hỗ trợ của Chính phủ như một đối tác chia sẻ một phần rủi ro.
Nêu kinh nghiệm ở Australia, ông David Israel, các đại học, nhà đầu tư và Chính phủ sẽ cùng hợp tác trong các dự án nông nghiệp mang tính bao trùm, giải quyết vấn đề lớn. Một phần lợi nhuận từ công nghệ mang lại được tái đầu tư giải quyết những bài toán lớn tiếp theo.
Theo vnexpress.net
- Bột hút CO2 khỏi không khí có thể tái sử dụng 100 lần (29/10/2024)
- Lan tỏa nhiệt huyết chuyển đổi số trong xã hội (28/10/2024)
- Singapore thử nghiệm xe giao hàng không người lái trên đường phố (28/10/2024)
- Nhận diện bảng biểu trên giấy tờ siêu nhanh cùng AI (28/10/2024)
- Lò phản ứng hút nước biển để sản xuất hydro trên tàu (25/10/2024)
- Nhà máy biến rác thải thành hydro lớn nhất thế giới (25/10/2024)
- Nhà máy điện địa nhiệt công suất 2 gigawatt (25/10/2024)
- Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu (24/10/2024)
- Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn: Nhìn từ chính sách (24/10/2024)
- Những tiến bộ vượt bậc trong điều trị ung thư vú (24/10/2024)