Đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ tầm soát, điều trị ung thư gan
Giải Vàng hạng mục Sáng tạo số với sản phẩm DrAid™ CT ung thư gan tại ASEAN Digital Awards 2024 mới đây của VinBrain có ý nghĩa như thế nào với doanh nghiệp, thưa ông?
VinBrain đã lần thứ 2 đạt giải Vàng tại ASEAN Digital Awards với các giải pháp về trí tuệ nhân tạo. Năm nay, DrAid™ CT Ung thư gan là một trong những sản phẩm trí tuệ nhân tạo hiếm hoi tại khu vực, cũng như trên thế giới đi đầu giải quyết bài toán ung thư gan.
Trong suốt những năm qua, VinBrain đã không ngừng phát triển những dòng sản phẩm đột phá từ nghiên cứu cho đến ứng dụng thực tế. Giải thưởng vừa rồi là sự ghi nhận cho tâm huyết của doanh nghiệp trong nỗ lực tạo ra sản phẩm ý nghĩa, có tác động thực sự đến xã hội.
Bên cạnh đó, chiến thắng này cũng khẳng định năng lực, sức sáng tạo, khả năng làm chủ công nghệ mới của người Việt không thua kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Ngoài ra, VinBrain cũng là đơn vị duy nhất trong Việt Nam đạt hai lần giải vàng từ khi giải thưởng này được thành lập từ năm 2013 đến nay.
Đây cũng là bước đà quan trọng để thu hút sự chú ý và lan tỏa niềm tin của quốc tế với những sản phẩm công nghệ y tế có nguồn gốc từ Việt Nam, và là cầu nối để VinBrain mở rộng sự hiện diện của mình tại thị trường Đông Nam Á từ nay tới cuối năm 2024.
Giải pháp mà VinBrain lựa chọn tham gia ASEAN Digital Awards 2024 đã giải quyết bài toán gì cho xã hội, thưa ông?
Nhìn vào danh mục dự thi ASEAN Digital Awards 2024, có thể thấy rõ các công ty đa số lựa chọn lĩnh vực như tài chính, giáo dục, quản trị doanh nghiệp... Tuy nhiên, y tế là lĩnh vực rất hiếm, chuyên khoa ung thư trong y tế lại càng đặc biệt. Chúng tôi chủ động chọn lựa sản phẩm khá độc đáo tham gia lĩnh vực này và tự tin về giải pháp tổng thể mà nó giải quyết được.
Con số thống kê về người mắc và tử vong do ung thư gan (tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư gan trong 5 năm là thấp nhất trong các loại bệnh, khoảng dưới 20%. Tỷ lệ ung thư gan của Việt Nam hiện nay thậm chí còn cao hơn ung thư phổi) làm chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc tìm kiếm giải pháp đột phá để đối mặt với thách thức này.
Qua việc tham gia ASEAN Digital Awards 2024, chúng tôi muốn thu hút sự quan tâm của xã hội và cộng đồng về việc cùng giải quyết bài toán bệnh hiểm nghèo này. Chúng tôi hiểu rằng để chiến thắng trong cuộc chiến này, sự hỗ trợ và quan tâm từ cộng đồng là quan trọng. Giải thưởng này là cơ hội để khuếch đại ảnh hưởng trong công cuộc chống ung thư, tạo ra nhận thức, tăng cường khả năng triển khai và tiếp cận hệ thống y tế mọi nơi, mọi lúc và mang sự bình đẳng cho ngành Y tế dựa trên nền tảng DrAid™.
Giải pháp này của VinBrain có gì đặc biệt so với những giải pháp đã được đưa ra thị trường trước đó?
Điểm đặc biệt nhất ở DrAid™ CT Ung thư gan phải kể đến, đây là một trong những số ít các giải pháp tiên phong trên thế giới có khả năng sàng lọc sớm tổn thương nhỏ chỉ từ 5mm khu trú trên gan do được áp dụng những công nghệ học máy tiên tiến nhất.
Giải pháp có độ đặc hiệu và độ nhạy rất cao như hệ số Dice khoanh vùng gan: 96,55%, hệ số Dice khoanh vùng khối u: 74,47% so với tỷ lệ đồng thuận của các bác sĩ chỉ khoảng 60%. Thứ nhất là nguồn dữ liệu y tế đầu vào lớn, tốt và đa dạng từ nhiều quốc gia và được gán nhãn, kiểm định sát sao bởi các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chuyên khoa II dày dặn kinh nghiệm từ Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.
Thứ hai, việc áp dụng các công nghệ xử lý hình ảnh tiên tiến nhất cũng đã góp phần nâng cao tính chuẩn xác cho giải pháp. Trong số đó, có nhiều phương pháp mới như sử dụng radiomics trong miền wavelet do nhóm các nhà khoa học ứng dụng VinBrain tiên phong nghiên cứu để làm đa dạng thêm cách biểu diễn tế bào ung thư biểu mô gan (HCC) - tổn thương gan ác tính nhất, là một đột phá trên thế giới, đã được công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Trên thế giới, ít có phương pháp khoanh vùng tổn thương và u gan dựa trên ảnh CT đa thì như giải pháp DrAid™ CT Ung thư gan từ VinBrain do tính chất phức tạp của các thì. Mặt lợi là cung cấp được khối lượng thông tin lớn do hình ảnh được tăng cường, gia tăng chẩn đoán chính xác, giúp không bỏ sót bất kì tổn thương nào trên ảnh. Bên cạnh đó, giải pháp dựa trên trí tuệ nhân tạo của VinBrain toàn diện hơn do phân loại được 4 dạng tổn thương: HCC, các u ác tính khác, tổn thương lành tính, và tổn thương chưa rõ bản chất; kích thước và vị trí tổn thương; phân vùng hạ phân thùy và mạch máu, giúp ích lớn không chỉ cho quá trình chẩn đoán mà còn là điều trị.
Hiện tại, để được thương mại hóa tại thị trường Mỹ và chờ chứng nhận FDA, VinBrain cũng đang hợp tác với các bác sĩ Mỹ và các trường Đại học uy tín như Stanford để có được nguồn dữ liệu y tế được gán nhãn chất lượng cao có xuất xứ từ các bệnh nhân ở Hoa Kỳ.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phát động chương trình doanh nghiệp công nghệ số đi ra thế giới. Theo ông, để vươn ra thế giới, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đáp ứng những điều kiện, tiêu chí nào? Sau khi giành được giải thưởng, VinBrain sẽ có kế hoạch ứng dụng sản phẩm này trong nước và nước ngoài như thế nào?
Giải thưởng này sẽ nâng tầm uy tín và tạo ra ưu thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp đến từ Việt Nam với chính những đối thủ tiềm năng, “sừng sỏ" trong khu vực.
Để vươn ra thế giới, các doanh nghiệp số, nhất là công nghệ y tế cần có tư duy đầu tư vào cốt lõi - chính là sản phẩm. Thứ nhất, tạo ra sản phẩm khác biệt so với đối thủ hoặc thị trường còn thiếu. Thứ hai, sản phẩm phải có chuẩn chất lượng cao nhất để thích ứng được với mọi đòi hỏi từ nhiều thị trường khác nhau, kể cả thị trường khó tính nhất. Thứ ba, sản phẩm phải có tác động tích cực, bền vững tới cộng đồng để tồn tại lâu dài.
Sau khi giành được giải thưởng, mong muốn của VinBrain là tập trung thương mại hóa sản phẩm, để mang hiệu quả tối đa cho các bác sĩ, phát hiện sớm bệnh nhân ung thư gan, và bệnh viện tăng nguồn doanh thu, giá trị gia tăng từ công nghệ AI, định hình một tương lai sáng hơn cho cuộc chiến chống lại căn bệnh có tỷ lệ mắc vào hàng cao nhất tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đang chờ chấp thuận của Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho sản phẩm này, sau thời gian dài nộp hồ sơ, đây là cơ sở cho các thoả thuận thương mại tiếp theo tại Hoa Kỳ và các quốc gia châu Á. Tại Việt Nam, DrAid™ CT Ung thư gan đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế và Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh sử dụng thử nghiệm.
Theo ông, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể vươn ra, tham gia, đáp ứng vào thị trường công nghệ số thế giới? Đơn vị cần sự hỗ trợ gì từ cơ quan quản lý Nhà nước?
Theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra thế giới nhất là theo trào lưu của cuộc cách mạng AI đang bùng nổ. Tuy nhiên, đầu tư là chủ công nghệ là sự đầu tư dài hơi. Đặc biệt là AI trong Y tế, rất tốn kém. Cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm hướng dẫn, giới thiệu và xúc tiến các cơ hội giao lưu thương mại, giúp lan tỏa và đưa các sản phẩm công nghệ Việt ra quốc tế, khuyến khích và đẩy mạnh các quỹ đầu tư chất lượng cao từ nước ngoài hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Điều này không chỉ nâng cao uy tín cho các doanh nghiệp Việt khi có một cơ quan Nhà nước đứng ra đảm bảo và kết nối, mà còn đẩy nhanh tốc độ và mở rộng cơ hội nhận đầu tư cho các doanh nghiệp có sản phẩm số tiến bộ và tiên phong toàn cầu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn TTXVN
- Robot hình người đầu tiên lắp động cơ phản lực (01/10/2024)
- Máy bay siêu thanh NASA chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên (01/10/2024)
- Đồng hồ hạt nhân laser chính xác gấp 10 lần đồng hồ nguyên tử (01/10/2024)
- Hệ thống phóng giúp chở tài nguyên Mặt Trăng về Trái Đất (30/09/2024)
- Pin lớn nhất thế giới công suất 8.500 MWh (30/09/2024)
- 'Bom thủy ngân' khổng lồ đe dọa Bắc Cực (30/09/2024)
- Việt Nam - Liên bang Nga: Hiện thực hoá tiềm năng hợp tác năng lượng nguyên tử (27/09/2024)
- NATO sử dụng trí tuệ nhân tạo để theo dõi máy bay Nga (27/09/2024)
- Nhân bản giọng nói bằng AI - mô hình kinh doanh mới ở Hollywood (27/09/2024)
- Hà Nam chỉ đạo điều hành qua phần mềm và liên thông văn bản điện tử (27/09/2024)