Giới nghiên cứu cảnh báo AI làm 'tăng tốc cuộc khủng hoảng khí hậu'
Nhằm nâng cao nhận thức về tác động của công nghệ mới đối với môi trường, nhà nghiên cứu Sasha Luccioni mới đây cảnh báo trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh sử dụng nhiều năng lượng gấp 30 lần so với công cụ tìm kiếm thông thường.
Biểu tượng Tập đoàn công nghệ Mỹ OpenAI. Ảnh: AFP/TTXVN
Được tạp chí Time (Mỹ) công nhận là 1 trong 100 người có ảnh hưởng nhất trong giới AI năm 2024, nhà khoa học máy tính Luccioni đã tìm cách xác định lượng khí thải của các chương trình như ChatGPT hoặc Midjourney trong nhiều năm qua.
Các mô hình ngôn ngữ lớn cho các ứng dụng AI đòi hỏi khả năng tính toán khổng lồ, được đào tạo trước dựa trên hàng tỷ điểm dữ liệu, đòi hỏi phải có hệ thống máy chủ rất mạnh. Tiếp đó, lượng năng lượng lớn cần được sử dụng để phản hồi các yêu cầu của từng người dùng.
Bà Luccioni giải thích thay vì chỉ trích xuất thông tin như một công cụ tìm kiếm, các chương trình AI tạo ra thông tin mới, khiến toàn bộ quá trình này tiêu tốn nhiều năng lượng hơn.
Trong nghiên cứu mới nhất, nhà nghiên cứu này đã chứng minh việc tạo ra hình ảnh có độ nét cao bằng AI cũng tiêu tốn nhiều năng lượng như việc sạc đầy pin một chiếc điện thoại di động.
Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy các lĩnh vực AI, kết hợp với tiền điện tử, đã tiêu thụ gần 460 TWh điện năng vào năm 2022 - chiếm 2% tổng sản lượng toàn cầu. Dù Microsoft và Google cam kết đạt được mức trung hòa carbon vào cuối thập kỷ, nhưng các “gã khổng lồ” công nghệ này của Mỹ đã chứng kiến lượng khí thải nhà kính do AI của hãng tăng vọt trong năm 2023. Cụ thể, Google ghi nhận mức tăng 48% so với năm 2019 và Microsoft tăng 29% so với năm 2020.
Nhà nghiên cứu Luccioni cảnh báo các công ty công nghệ đang đẩy nhanh cuộc khủng hoảng khí hậu, đồng thời kêu gọi lĩnh vực này minh bạch hơn trong các dữ liệu về phát thải và có chính sách triển khai đúng đắn. Bên cạnh đó, bà Luccioni lưu ý cần “giải thích cho mọi người biết AI có thể và không thể làm gì, cũng như phải trả giá như thế nào”.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty muốn tích hợp công nghệ nhiều hơn vào cuộc sống - với các mô hình đàm thoại (chatbot) và thiết bị được kết nối hoặc trong các tìm kiếm trực tuyến, bà Luccioni bày tỏ ủng hộ việc sử dụng năng lượng một cách tỉnh táo. Bà cho rằng: “Vấn đề ở đây không phải là phản đối AI, mà là lựa chọn đúng công cụ và sử dụng chúng một cách sáng suốt”.
Theo TTXVN
- Máy nhắn tin - Uy tín của công nghệ cổ điển giữa thời đại kỹ thuật số (18/09/2024)
- Quần robot giúp tăng sức mạnh đôi chân lên 40% (18/09/2024)
- Công ty Hà Lan thử nghiệm tàu đệm từ siêu tốc (17/09/2024)
- Thử nghiệm thành công công nghệ tổng hợp hạt nhân không chất phóng xạ, năng lượng đủ cung cấp cho Trái đất hơn 100.000 năm (17/09/2024)
- Sản xuất xăng máy bay từ không khí và điện mặt trời, giấc mơ đã thành sự thật (17/09/2024)
- Anh phát triển loại robot siêu nhỏ điều trị chứng phình động mạch não (16/09/2024)
- Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo (16/09/2024)
- Cứu nạn khẩn cấp - ERIN kết nối hỗ trợ từ xa cho người dân vùng lũ (16/09/2024)
- Nhà máy điện khí thải nóng ngoài khơi đầu tiên trên thế giới (13/09/2024)
- Vàng nguyên chất siêu bền chắc (13/09/2024)