Loạt nhà khoa học quốc tế tham gia tọa đàm ô nhiễm không khí đô thị
Chuyên gia đến từ Mỹ, Đức cùng Việt Nam sẽ thảo luận, đưa ra ý tưởng, giải pháp cho vấn đề ô nhiễm không khí tại đô thị tại sự kiện do VinFuture tổ chức.
Tọa đàm "Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội, thách thức cho Việt Nam và thế giới" diễn ra ngày 5/12 tại Hà Nội nhằm tìm giải pháp cho ô nhiễm không khí, giao thông xanh.
Sự kiện quy tụ các nhà khoa học hàng đầu như Giáo sư Yafang Cheng từ Viện Hóa học Max Planck (Đức), Giáo sư Daniel Kammen từ Đại học California, Berkeley (Mỹ) và Phó Giáo sư Hồ Quốc Bằng từ Đại học Quốc gia TP HCM. Những chuyên gia này cùng nhau trao đổi ý tưởng về ô nhiễm không khí và giao thông, trong phiên thảo luận do Giáo sư Susan Solomon từ Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) chủ tọa.
Giáo sư Susan Solomon làm chủ tọa phiên tọa đàm. Ảnh: Vingroup
Trước thềm sự kiện, Giáo sư Susan Solomon nhấn mạnh đây là cơ hội để các chuyên gia từ Việt Nam và quốc tế trao đổi ý tưởng. "Chỉ cần nhìn vào hệ thống giao thông tại Hà Nội, chúng ta có thể thấy ngay những đóng góp đáng kể của tọa đàm với vấn đề ô nhiễm không khí", bà nói.
Tới tọa đàm, Phó giáo sư Hồ Quốc Bằng sẽ đánh giá toàn diện về thực trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ở Việt Nam. Ông từng tư vấn cho nhiều tổ chức quốc tế như Clean Air Asia, Ngân hàng Thế giới và USAID.
Ông Bằng chia sẻ nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhiều dự án tại Hà Nội và TP HCM, tập trung kiểm kê phát thải từ các nguồn khác nhau, gồm cả giao thông. Gần đây, nhóm đánh giá được những lợi ích môi trường khi chuyển đổi từ xe sử dụng năng lượng hóa thạch sang xe điện.
Giáo sư Yafang Cheng nghiên cứu về các yếu tố gây ô nhiễm không khí đô thị. Bà cho biết đã phát hiện hai cơ chế quan trọng ảnh hưởng đến ô nhiễm không khí đô thị: sự tương tác giữa khí NOx và quá trình hình thành sulfate trong điều kiện độ ẩm cao, tác động của muội than đến sự phát triển của lớp biên khí quyển.
Nghiên cứu của Giáo sư Cheng chỉ ra khi nồng độ muội than vượt ngưỡng tới hạn, có thể ngăn cản sự phát triển của lớp biên khí quyển hoạt động vào ban ngày. Hiện tượng này dẫn đến các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong điều kiện độ ẩm cao.
Giáo sư Daniel Kammen cho rằng bước tiến trong điện khí hóa phương tiện giao thông có tiềm năng cải thiện chất lượng không khí đô thị. Ảnh: Vingroup
Bên cạnh đó, Giáo sư Daniel Kammen sẽ nhấn mạnh tiến bộ trong việc điện khí hóa phương tiện giao thông. "Chúng ta đang chứng kiến bước tiến vượt bậc trong việc điện khí hóa phương tiện giao thông. Trung Quốc đã vượt mốc 22 triệu xe điện. Nghiên cứu gần đây của Đại học California ghi nhận cải thiện khoảng 2% về chất lượng không khí tại khu vực vịnh San Francisco nhờ xe điện", ông nói.
Ông Kammen cũng cho biết nhiều thành phố đã chuyển đổi đội xe taxi sang xe điện thành công, chứng minh tính khả thi của việc chuyển đổi quy mô lớn và mở ra triển vọng áp dụng mô hình tương tự tại các thành phố khác.
Về tài chính, vị giáo sư nêu rõ vai trò hỗ trợ quốc tế trong thúc đẩy chuyển đổi xanh ở các nước đang phát triển. Ông dẫn chứng Kenya có 50 công ty sản xuất xe hai bánh chạy điện nhờ sáng kiến như Net Zero World. Senegal và Nigeria cũng nhận được hỗ trợ tương tự.
Ông Kammen cũng khẳng định tầm quan trọng của việc kết hợp công nghệ với chính sách phù hợp. Kinh nghiệm từ chương trình hỗ trợ xe điện tại Mỹ qua Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) và mô hình tài trợ của Công ty Lưới điện Nhà nước Trung Quốc cung cấp bài học quý giá cho Việt Nam.
Tọa đàm "Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội, thách thức cho Việt Nam và thế giới" là một trong chuỗi 4 tọa đàm khoa học nằm trong Tuần lễ trao giải VinFuture 2024. Ngoài tọa đàm này, quỹ VinFuture tổ chức thêm các tọa đàm khác với chủ đề: Vật liệu cho tương lai bền vững (4/12), Triển khai AI trong thực tế (4/12) và Những đổi mới trong chăm sóc sức khỏe tim mạch và điều trị đột quỵ (5/12).
Theo TTXVN
- Máy bay thương mại đạt tốc độ siêu thanh (21/11/2024)
- 'Vạn lý trường thành' điện mặt trời của Trung Quốc (21/11/2024)
- Robot bây giờ có thể học được cách phẫu thuật chỉ bằng cách xem video (20/11/2024)
- Cảm biến hình ảnh nhỏ bằng hạt cát đạt kỷ lục thế giới (20/11/2024)
- Tàu trang bị buồm bọc pin mặt trời có thể gấp gọn (20/11/2024)
- 'Không thay đổi cơ chế tài chính cho khoa học, Việt Nam sẽ tụt hậu' (19/11/2024)
- Người Việt đầu tiên đoạt giải thưởng thiên văn quốc tế Đài Loan (19/11/2024)
- Trung Quốc khởi động cỗ máy siêu trọng lực mạnh nhất thế giới (19/11/2024)
- Các nhà khoa học Nga làm ra loại bánh mì dành cho người tiểu đường (18/11/2024)
- Áp dụng kỹ thuật mới cho mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo (18/11/2024)