Nhà khoa học Việt 'nhân bản' giống sâm Ngọc Linh
Nhóm nhà khoa học Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM nghiên cứu tạo dòng sâm Ngọc Linh thể đa bội với ưu thế lá dày, cuống lá to, cây cao hơn so với cây tự nhiên.
Nghiên cứu do thạc sĩ Phạm Văn Hiểu, Phòng công nghệ sinh học thực vật (Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM) cùng bốn cộng sự khác thực hiện từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2024. Theo nhóm nghiên cứu, sâm Ngọc Linh chứa nhiều dược chất quý như ginsenosides (khoảng 52 hợp chất saponin) và ocotillol (Majonoside R2 hay MR2) có tác dụng giúp tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa ung thư. Nguồn giống sâm Ngọc Linh sử dụng cho sản xuất hiện nay chủ yếu được thu nhận từ hạt cây trồng trong điều kiện tự nhiên với số lượng rất hạn chế.
Các nghiên cứu cho thấy cây đa bội, có nhiều hơn hai bộ nhiễm sắc thể trong tế bào, xuất hiện phổ biến ở nhiều loài thực vật, và có nhiều đặc điểm vượt trội so với cây lưỡng bội. Trong tự nhiên sâm Ngọc Linh tồn tại dạng cây lưỡng bội 2n = 24 nhiễm sắc thể (NST), sâm Ngọc Linh tứ bội được tạo ra 4n = 48 NST. Nhóm cho rằng, có nhiều nghiên cứu chứng minh, khi bộ nhiễm sắc thể tăng có thể dẫn đến tăng kích thước tế bào và cơ quan, tăng cường hoạt động trao đổi chất, dẫn đến làm tăng các hợp chất thứ cấp và tăng khả năng thích nghi với môi trường.
Hình ảnh trên kính hiển vi sâm Ngọc Linh thể lưỡng bội (trái) và thể tứ bội. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
Theo thạc sĩ Hiểu, việc áp dụng kỹ thuật đa bội để nâng cao năng suất và phẩm chất giống đã được áp dụng thành công trên nhiều loại cây trồng khác nhau. Điều này cho thấy có thể áp dụng kỹ thuật đa bội để tạo ra giống sâm Ngọc Linh có khả năng sinh trưởng và thích nghi với môi trường tốt hơn. Việc phát triển dòng sâm Ngọc Linh đa bội nhằm mục đích phục vụ nghiên cứu phát triển giống cũng như sản xuất sâm Ngọc Linh trong tương lai.
Để tạo dòng Sâm Ngọc Linh đa bội, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phôi ở giai đoạn phôi cầu (phôi tạo ra từ quá trình nuôi cấy mô) làm nguyên liệu ban đầu. Phôi cầu được xử lý bằng colchicine ở nhiều nồng độ khác nhau để tìm ra nồng độ và thời gian xử lý phù hợp nhất tạo sâm Ngọc Linh thể đa bội. Sau khi xử lý, các mẫu phôi được tiếp tục nuôi cấy để tăng trưởng tạo lá. Nhóm tiến hành sàng lọc mẫu đa bội bằng phương pháp dòng chảy tế bào (flow cytometry). Các mẫu đa bội sau khi sàng lọc bằng phương pháp dòng chảy tế bào sẽ được tái sinh để tạo cây đa bội hoàn chỉnh.
Theo thạc sĩ Hiểu, trong các công đoạn trên, sàng lọc đa bội là công đoạn khó khăn nhất, do phải thực hiện với lượng lớn mẫu. Vấn đề này được nhóm giải quyết bằng máy đo dòng chảy tế bào. Máy này giúp sàng lọc lượng lớn mẫu trong thời gian ngắn.
Dòng sâm Ngọc Linh đa bội được nhóm tạo ra bước đầu có sự gia tăng kích thước, lá dày hơn, cuống lá to hơn, cây cao hơn so với mẫu lưỡng bội. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở bước đầu nhằm tạo ra được một số dòng sâm Ngọc Linh đa bội phục vụ cho mục đích nghiên cứu.
Để ứng dụng sâm Ngọc Linh đa bội vào sản xuất, theo thạc sĩ Hiểu cần nghiên cứu sâu hơn về khả năng tăng trưởng, khả năng thích nghi cũng như đánh giá hàm lượng dược chất so với sâm lưỡng bội. "Sâm Ngọc Linh đa bội trên lý thuyết giúp làm tăng hàm lượng các dược chất quý. Tuy nhiên việc này cần được đánh giá thực tế thông qua thực nghiệm để có số liệu mang tính thuyết phục", thạc sĩ Hiểu nói. Thời gian tới nhóm sẽ tiến tục nghiên cứu phân tích một số thành phần dược chất chính trong mẫu sâm Ngọc Linh đa bội được tạo ra nhằm so sánh hàm lượng dược chất trong mẫu sâm đa bội so với dược chất trong giống sâm lưỡng bội ban đầu.
Sâm Ngọc Linh thể đa bội (phải) bên cạnh cây thể lưỡng bội. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
TS Hà Thị Loan, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM đánh giá, nghiên cứu tạo dòng đa bội của là hướng khá mới trong nước nhằm hướng đến tạo giống sâm Ngọc Linh có khả năng sinh trưởng nhanh, hàm lượng dược chất cao. Tuy nhiên, bà cho rằng, nhóm cần tiếp tục nghiên cứu tiến tới việc trồng sâm Ngọc Linh đa bội thực tế để có các đánh giá hàm lượng hợp chất quý trong sâm và nhân nhanh sinh khối nhằm thu hợp chất. "Chúng tôi sẽ có phương án hỗ trợ nhóm về vùng trồng thử nghiệm sâm để thực hiện nghiên cứu giai đoạn tiếp theo", TS Loan nói.
Theo vnexpress.net
- Hệ thống có thể dọn sạch đảo rác Thái Bình Dương (19/09/2024)
- Giới nghiên cứu cảnh báo AI làm 'tăng tốc cuộc khủng hoảng khí hậu' (18/09/2024)
- Máy nhắn tin - Uy tín của công nghệ cổ điển giữa thời đại kỹ thuật số (18/09/2024)
- Quần robot giúp tăng sức mạnh đôi chân lên 40% (18/09/2024)
- Công ty Hà Lan thử nghiệm tàu đệm từ siêu tốc (17/09/2024)
- Thử nghiệm thành công công nghệ tổng hợp hạt nhân không chất phóng xạ, năng lượng đủ cung cấp cho Trái đất hơn 100.000 năm (17/09/2024)
- Sản xuất xăng máy bay từ không khí và điện mặt trời, giấc mơ đã thành sự thật (17/09/2024)
- Anh phát triển loại robot siêu nhỏ điều trị chứng phình động mạch não (16/09/2024)
- Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo (16/09/2024)
- Cứu nạn khẩn cấp - ERIN kết nối hỗ trợ từ xa cho người dân vùng lũ (16/09/2024)