Turbine gió trên bờ lớn nhất thế giới
Trung Quốc - Turbine trên bờ lắp đặt ở tỉnh Cát Lâm có đường kính rotor 270 m và cánh quạt dài 131 m, sản xuất đủ điện cho 160.000 hộ gia đình hàng năm.
Turbine 15 MW hoạt động thử nghiệm ở huyện Thông Du, Cát Lâm. Ảnh: Sany
Công ty năng lượng tái tạo Sany thuộc tập đoàn Sany, nhà sản xuất thiết bị nặng đa quốc gia, thông báo bàn giao turbine gió 15 MW tại nhà máy ở huyện Thông Du, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Theo công ty, cỗ máy này ở dạng nguyên mẫu và sẽ trải qua một năm thử nghiệm để xác nhận độ tin cậy của nó, Interesting Engineering hôm 10/10 đưa tin. Mẫu turbine SI-270150 là turbine gió trên bờ lớn nhất về mặt công suất một đơn vị và có đường kính rotor lớn nhất (270 m) trong số bất kỳ turbine gió trên bờ nào đã lắp đặt trên khắp thế giới tính đến nay. Năm ngoái một turbine gió lớn nhất lắp đặt trên đất liền là MySE 10.X-23X của công ty Minyang Smart Energy có đường kính cánh quạt lên tới 230 m.
Turbine gió trên bờ này là sản phẩm đầu bảng chế tạo dựa trên bộ giàn 12.X - 16.X MW của Sany. Nó có tuổi thọ hoạt động 25 - 30 năm. Hệ thống có cánh dài 131 m, đạt diện tích quét tối đa 57.256 m2. Với công suất lớn như vậy, chỉ riêng một turbine có thể sản xuất đủ điện để cung cấp cho 160.000 hộ gia đình suốt cả năm.
SI-270150 có thiết kế siêu nhẹ và công nghệ giảm tải sử dụng trí tuệ nhân tạo, giúp giảm thiểu tải trọng đồng thời đơn giản hóa quá trình vận chuyển đường dài. Những công nghệ này giúp tăng cường hiệu suất và đảm bảo turbine có thể được chuyển tới khu vực hẻo lánh với ít thách thức hơn. Hệ thống truyền lực của turbine bao gồm ổ côn kép (TRB) tích hợp hệ thống hỗ trợ trục chính, cung cấp khả năng chịu tải cao và độ ổn định, nhờ đó turbine hoạt động bền bỉ hơn trong nhiều điều kiện khác nhau.
Hồi tháng 1, Sany thông báo cánh quạt đầu tiên của turbine gió được sản xuất ở khu công nghiệp thông minh Bayannur. Do chiều dài cánh quạt tăng lên, yêu cầu độ cứng và độ bền lớn hơn để ngăn các vấn đề như chết máy, rung và thậm chí gãy cánh cũng tăng theo. Để giải quyết vấn đề, Sany phát triển thiết kế khí động tối ưu hóa cho cánh quạt turbine gió với độ dày lớn và mép sau dạng tù. Thiết kế như vậy giúp cải thiện độ liền khối về mặt kết cấu của cánh quạt.
Sany cũng kết hợp một số công nghệ tiên tiến trong sản xuất cánh quạt, bao gồm thiết kế 3D cho mối hàn kín ở mép sau và công nghệ chần trước sợi thủy tinh, qua đó thay thế sản xuất thủ công với quy trình tự động thông minh. Để nâng cao khả năng tái chế cánh quạt siêu dài và tăng độ bền vững, Sany sử dụng các bộ phận kết cấu từ polyurethane tái chế.
Nguồn: vnexpress.net
- Công nghệ giải mã protein được ứng dụng thế nào? (25/11/2024)
- Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng bản đồ tế bào con người (22/11/2024)
- Nga sản xuất hàng loạt hầm chống bom hạt nhân di động (22/11/2024)
- Phát minh đột phá giúp chống lại chứng sa sút trí tuệ của tuổi già (22/11/2024)
- Loạt nhà khoa học quốc tế tham gia tọa đàm ô nhiễm không khí đô thị (21/11/2024)
- Máy bay thương mại đạt tốc độ siêu thanh (21/11/2024)
- 'Vạn lý trường thành' điện mặt trời của Trung Quốc (21/11/2024)
- Robot bây giờ có thể học được cách phẫu thuật chỉ bằng cách xem video (20/11/2024)
- Cảm biến hình ảnh nhỏ bằng hạt cát đạt kỷ lục thế giới (20/11/2024)
- Tàu trang bị buồm bọc pin mặt trời có thể gấp gọn (20/11/2024)